Bệnh sởi ở trẻ em – Dấu hiệu nhận diện & một số nguyên tắc cần lưu ý
Tư vấn chuyên môn bài viết: Ths Bs Phan Thị Thanh Hà – Bác sĩ chuyên khoa Nhi – Bệnh viện Bình An
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, tốc độ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt là ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư,… Bệnh dễ bùng phát thành dịch nếu không có biên pháp phòng ngừa thích hợp.
*DẤU HIỆU NHẬN DIỆN BỆNH SỞI Ở TRẺ EM
– Giai đoạn ủ bệnh: từ 07 đến 14 ngày.
– Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm xuất tiết): 2-4 ngày: sốt nhẹ vừa sau đó sốt cao, viêm long đường hô hấp như chảy nước mũi, ho, viêm kết mạc đổ ghèn.
– Giai đoạn toàn phát (giai đoạn mọc ban): thường sau khi sốt 3-4 ngày, với đặc trưng chính là phát ban dát sẩn gồ nhẹ trên da, mọc theo thứ tự từ sau tai, sau gáy, lan ra mặt, cổ, lan dần tới ngực, tay và lưng, chân. Khi ban mọc, toàn thân sẽ sốt cao hơn, mệt hơn, cho tới khi ban mọc tới chân thì nhiệt độ giảm dần
Giai đoạn này cũng có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như viêm ruột, viêm thanh quản, viêm phế quản phổi, biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não, viêm tủy) và dễ mắc thêm những bệnh đồng nhiễm khác.
– Giai đoạn hồi phục: Thường vào ngày thứ 6, ban bay dần theo thứ tự mọc, để lại những vết thâm bong vảy cám xen kẽ với da thường (vằn da hổ).
Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
* NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ VÀ CHĂM SÓC TRẺ BỊ SỞI
– Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành. Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
– Điều trị hỗ trợ: trẻ nên được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa Nhi để bổ sung Vitamin A tùy vào độ tuổi, uống thuốc hạ sốt khi sốt > 38°C, vệ sinh mắt mũi miệng bằng nước muối hằng ngày.
– Tắm trẻ hàng ngày, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng ở thông thoáng sạch sẽ. Tránh quan niệm sai lầm cho trẻ kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
– Tăng cường dinh dưỡng, trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú. Kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng), chế biến thức ăn mềm dễ tiêu, nên chia thành nhiều bữa trong ngày.
– Phát hiện và điều trị các biến chứng: khi trẻ có các dấu hiệu: sốt cao liên tục ≥ 39°C, khó thở, thở nhanh, nôn ói,co giật, người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi hoặc phòng khám có chuyên khoa Nhi để được thăm khám và điều trị
*PHÒNG NGỪA BỆNH SỞI
– Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh Sởi hiệu quả nhất. Với tình hình dịch sởi đang phức tạp, trẻ từ 6 tháng tuổi cần được tiêm mũi sởi đầu tiên. Và tiếp tục với mũi sởi 9 tháng, 12 tháng hoặc 18 tháng theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ.
– Thực hiện tốt cách ly: Trẻ bị sởi cần được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để khám và chữa trị , đồng thời cách ly sớm để tránh lây lan dịch trong cộng đồng.
– Thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế và người chăm sóc trẻ : đeo khẩu trang khi tiếp xúc và rửa tay sau khi chăm sóc trẻ để tránh lây nhiễm chéo.
Mọi thắc mắc về tình trạng của trẻ, quý cha mẹ có thể liên hệ Phòng khám chuyên khoa Nhi – Bệnh viện Bình An để được tư vấn, điều trị.
Hoặc nhắn tin vào kênh Fanpage “Bệnh viện Bình An” để được hỗ trợ liên hệ bác sĩ giải đáp thắc mắc.
Giờ làm việc của phòng khám chuyên khoa Nhi – Bv Bình An:
– Từ thứ Hai đến thứ Bảy: Sáng từ 7 giờ đến 11 giờ 30 – Chiều từ 13 giờ đến 16 giờ 30
————————————–
BỆNH VIỆN BÌNH AN
Sức khỏe cho mọi người – Bình an cho mọi nhà
Số 80 – 82 Nguyễn Trung Trực, Phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá, Kiên Giang
Tổng đài: 02973.949.949
Hotline (CSKH): 0969 491490
Website: https://www.bvbinhan.com.vn