DỊCH VỤ Y KHOA


THƯ VIỆN SÁCH MEDIC

MedicalBooks

WEBSITE LIÊN KẾT

Bạn đã biết gì về bệnh Gút?

Email In PDF.

Bệnh Gút hay còn gọi là bệnh thống phong đã được biết đến từ rất lâu. Ông Hyppocrates là người đầu tiên mô tả rõ các biểu hiện đặc trưng của bệnh này là sưng tấy, nóng, đỏ, rất đau ở ngón chân cái và được gọi là bệnh của “các Nhà Vua”.

Đại Cương

Bệnh Gút là một bệnh do rối loạn chuyển hóa các nhân Purines, đặc điểm chính là tăng acid uric máu. Hậu quả là các mô có lắng đọng các tinh thể monosodium urate do chúng bị bão hòa ở dịch ngoại bào, do đó nó sẽ gây nên một hoặc nhiều biểu hiện sau đây:

1-     Viêm khớp hoặc cạnh khớp cấp hay mạn tính, thường được gọi là viêm khớp do Gút.

2-     Tích lũy vi tinh thể ở khớp, xương, mô mềm được gọi là hạt Tophi.

3-     Lắng đọng vi tinh thể ở thận

4-     Gây bệnh sỏi tiết niệu do acid uric..

Tăng acid uric máu là khi lượng acid uric trong máu cao hơn giới hạn bình thường, đây là giới hạn tối đa của độ hòa tan urate trong dung dịch có cùng nồng độ như huyết tương (nam >7,0 mg/dL # 420 mmol/L; nữ : > 6,0 mg/dL # 360 mmol/L).

Nếu chỉ có tăng acid uric máu đơn thuần, không phải là bệnh Gút, mà chỉ là một tình trạng rối loạn chuyển hóa purine, làm tăng acid uric trong máu nhưng chưa gây bệnh.

Tăng acid uric máu đơn thuần có tỷ lệ khá cao: từ 4- 14% dân số. Theo thống kê qua khảo sát ngẫu nhiên trên 500 người đến kiểm tra sức khỏe tổng quát tại bệnh viện Bình An trong 6 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ này khoảng 18%. Đa số trường hợp, tình trạng này không gây triệu chứng gì, chỉ được tình cờ phát hiện khi làm xét nghiệm.

Tăng acid uric máu là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh Gút. Lượng acid uric máu càng cao, càng nhiều khả năng trở thành bệnh Gút. Khoảng 5-10 % số người có tăng acid uric máu sẽ trở thành bệnh nhân Gút vào khoảng 35-40 tuổi, nam giới chiếm 95%.

Phân loại: Có 2 loại chính

1 - Gút nguyên phát : nguyên nhân chưa rõ, chiếm trên 90% các trường hợp, có tính chất gia đình, khởi phát thường do uống quá nhiều rượu, gây tăng acid uric máu.

       Gút nguyên phát có tính chất di truyền, liên quan đến rối loạn gen và mang tính gia đình rõ rệt. Nếu bố hoặc mẹ bạn mắc bệnh gút, nguy cơ mắc bệnh tăng 20 %.

2- Gút thứ phát : chiếm tỷ lệ thấp (5-10%) so với Gút nguyên phát, nhưng thường nặng và khó điều trị hơn, vì đây là hậu quả của tình trạng tăng acid uric sau một số bệnh lý như:

* Suy thận: khi urê huyết vượt quá 1g/L thì hầu hết bệnh nhân đều có tình trạng tăng acid uric máu kèm theo.

* Một số bệnh lý về máu như: tăng sinh tủy (đặc biệt khi đã có biến chứng suy  thận), đa u tủy, bệnh lý globulin, xơ tủy (myélosclérose), bệnh bạch cầu cấp hay mãn..

* Vẩy nến

* Dùng nhiều thuốc lợi tiểu

Biểu hiện lâm sàng

1-     Cơn Gút cấp điển hình:

-          Cơn thường xuất hiện tự phát, sau một bữa ăn hay uống nhiều rượu, sau 1 chấn thương, sau một đợt dùng thuốc aspirin, lợi tiểu…

-          Cơn đau khởi phát một cách đột ngột thường vào ban đêm ở khớp ngón chân cái hoặc các khớp của bàn chân hay khớp gối.

-   Tính chất : đau rất nhiều, chủ yếu về ban đêm, ban ngày có giảm đau chút ít, mệt mỏi, đôi khi có sốt nhẹ.

benhgut1

Viêm khớp ngón chân cái

benhgut2

Hạt Tophi ở các khớp bàn chân

 2-     Cơn Gút không điển hình:

Cũng thường gặp, có thể đau ở 1 khớp hoặc 2-3 khớp, hoặc biểu hiện ở cạnh khớp như đau gân gót hay đau khuỷu tay.

3-     Gút mạn tính :

Nếu không được điều trị, bệnh sẽ chuyển sang dạng mạn tính sau vài năm đến vài chục năm, có các biểu hiện như sau:

   + Cơn thưa: vài tháng, vài năm sẽ có 1 cơn.

   + Cơn liên tiếp

   + Tổn thương ở nhiều khớp. Lúc này X quang và xét nghiệm sinh hóa có sự tích lũy của muối Urate ở các mô (Hạt Tophi)

Các Xét nghiệm

1 -     Định lượng Acid uric máu : thường tăng trên 7 mg/dL ( hay trên 420 mmol/L)

2 -     Định lượng acit uric niệu 24 giờ (bình thường từ 400-450 mg/24 g)

3 -     Xét nghiệm dịch khớp

4 -     Chức năng thận: Urê, creatinin

5 -     Siêu âm thận

6 -     X quang khớp

7 -     Xét nghiệm cơ bản : công thức máu, đường máu, lipid máu (cholesterol và triglyceride), tốc độ lắng máu (các rối loạn chuyển hóa này thường kết hợp với nhau).

Nguyên tắc điều trị

Cơn gút cấp, cho dù là gút nguyên phát hay thứ phát, cần được điều trị càng sớm càng tốt.

   Mục tiêu điều trị:

   1 - Điều trị cơn gút cấp (dùng colchicin, kháng viêm không steroid, kiềm hóa nước tiểu) 

   2 - Phòng ngừa cơn gút cấp tái phát (dùng colchicin)

   3 - Phòng ngừa sự lắng đọng thêm tinh thể Urate ở các mô bằng các biện pháp làm giảm acid uric trong máu (thuốc ức chế tổng hợp acid uric, thuốc tăng thải acid uric)

4-  Điều trị các bệnh lý đi kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và béo phì.

Chế độ ăn uống sinh hoạt:

-          Giảm calori, đạt trọng lương cơ thể ở mức hợp lý.

-          Không ăn thức ăn giầu purin : phủ tạng động vật (tim, gan, thận, óc)

     Có thể ăn trứng, sữa, trái cây.

-          Chế độ ăn giảm đạm ( ít hơn 200g thịt nạc/ ngày)

-          Không uống rượu, giảm ăn mỡ, giảm đường. Có thể dùng trà, cà phê.

-          Tập thể dục đều hàng ngày, tránh béo phì, tránh gắng sức, tránh căng thẳng.

   Theo dõi, tiên lượng:

-          Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài và theo dõi trong suốt quá trình điều trị.

-          Xét nghiệm định kỳ : Acid uric máu, chức năng thận, chức năng gan, Bilan mỡ máu mỗi tháng trong 3 tháng đầu, sau đó mỗi 3-6 tháng/1 lần

-          Tiên lượng nặng khi đã tổn thương chức năng thận, nhiều bệnh phối hợp.

 

BS Võ Phúc Khánh

Khoa Nội BV Bình An

(Tổng hợp từ Internet)

 
You are here: Trang chủ Tin y dược Y học thường thức Bạn đã biết gì về bệnh Gút?